Quản lý thuế kinh doanh qua mạng xã hội: Vẫn thách thức

Thông tin từ Tổng cục Thuế phát đi ngày 25/6/2021 cho thấy, sàn thương mại điện tử (TMĐT) khai thuế, nộp thuế thay cá nhân kinh doanh, phương thức quản lý thuế này là phù hợp. Tuy nhiên, quản lý thuế đối với cá nhân sử dụng nền tảng mạng xã hội để kinh doanh, vẫn sẽ là thách thức với cơ quan thuế.

Để tạo điều kiện cho người nộp thuế, cá nhân kinh doanh phát sinh nghĩa vụ thuế tự kê khai nộp thuế, hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức kê khai, nộp thuế thay, tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC, mới được ban hành, Bộ Tài chính đã hướng dẫn về thủ tục để các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT theo ủy quyền, hoặc theo thỏa thuận. Đồng thời, để cá nhân kinh doanh kê khai thuế đúng, đủ, kịp thời, Bộ Tài chính cũng đã quy định trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin. Trên cơ sở đó, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thuế sẽ hỗ trợ tra cứu thông tin doanh thu kinh doanh trên toàn quốc, để cá nhân có thể tự khai thuế, nộp thuế kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Để thực hiện hướng dẫn nêu trên, Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến 01/8/2021, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương khảo sát thực tế một số sàn TMĐT để xây dựng dự thảo chuẩn dữ liệu điện tử, lấy ý kiến góp ý của các sàn TMĐT, sau đó sẽ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyển ban hành. Từ 01/10/2021 đến 01/01/2022, Tổng cục Thuế và các sàn giao dịch TMĐT sẽ nâng cấp ứng dụng, đảm bảo kết nối thông tin theo chuẩn định dạng điện tử, sau đó các sàn TMĐT sẽ kết nối với cơ quan thuế.

 

Trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, một số đại diện các sàn TMĐT tỏ ra khá “bất ngờ” về qui định của Bộ Tài chính về sàn TMĐT khai thuế thay, nộp thuế thay tại Thông tư 40/2021/TT-BTC. Giải đáp băn khoăn này, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, thuộc Tổng cục Thuế, cho biết: Trước khi Thông tư 40/2021/TT-BTC ban hành, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội thảo chuyên đề “quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài” để tham vấn ý kiến. Căn cứ báo cáo đánh giá về tính khả thi tại Việt Nam, khuyến nghị của các tổ chức, chuyên gia, đánh giá tác động về thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế đã đề xuất giải pháp quản lý thuế đối với TMĐT để đưa vào dự thảo thông tư, lấy ý kiến thẩm định trước khi trình Lãnh đạo Bộ Tài chính ký ban hành.

Sau khi Thông tư 40/2021/TT-BTC được ban hành, Tổng cục Thuế cũng đã thông qua Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) tổ chức họp trực tuyến với sự tham gia của các sàn giao dịch TMĐT lớn và Công ty Tư vấn kiểm toán quốc tế (EY, Deloitte) để hướng dẫn, trao đổi về việc xây dựng lộ trình để thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, việc triển khai nội dung qui định nêu trên đã đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch và mọi đối tượng chịu tác động đều được lấy ý kiến và cung cấp thông tin đầy đủ.

Ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: Trên thế giới, đã áp dụng khá phổ biến việc quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhà cung cấp nước ngoài có giao dịch trên các sàn TMĐT, hoặc các nền tảng số. Theo đó, nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT đối với các giao dịch qua sàn TMĐT hoặc nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài thuộc về các sàn TMĐT và nền tảng số. Tuy nhiên, quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh trong nước hoạt động trên các sàn giao dịch TMĐT, áp dụng sàn TMĐT khai thay, nộp thuế thay thì hạn chế hơn. Bởi hầu hết các quốc gia đánh thuế thu nhập kinh doanh thuần của các cá nhân, chứ không đánh thuế dựa trên doanh thu. Nếu họ áp thuế doanh thu để khấu trừ qua sàn TMĐT sẽ ảnh hưởng bất lợi đến dòng tiền của cá nhân kinh doanh, vì thu nhập của cá nhân kinh doanh biến động không tỷ lệ thuận với doanh thu bán hàng.

Tại Việt Nam thì khác, việc tính thuế thu nhập cá nhân đối với hộ, cá nhân kinh doanh, lại dựa trên doanh thu, nên theo ông Nguyễn Việt Anh, những bất lợi đối với cá nhân kinh doanh như nêu ở trên sẽ không phát sinh. Vì vậy, sử dụng cơ chế khấu trừ thuế thông qua các sàn TMĐT với điều kiện thực tế ở Việt Nam là phù hợp, cơ chế này sẽ tăng cường tính tuân thủ, giảm gánh nặng hành chính đối với người nộp thuế, giảm chi phí quản lý đối với cơ quan thuế.

Đó là việc quản lý thuế kinh doanh thông qua sàn TMĐT, các chuyên gia khuyến nghị rằng, việc quản lý thuế đối với các cá nhân kinh doanh sử dụng nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, bàn hàng, giao dịch mới là thách thức đối với cơ quan quản lý thuế. Cá nhân kinh doanh thông qua sàn TMĐT đã có sàn TMĐT khai thay, khấu trừ nộp thuế thay. Thế nhưng, cá nhân kinh doanh qua nền tảng mạng xã hội, thì ai sẽ khai thay, nộp thuế thay, quản lý như thế nào? Đây vẫn là câu hỏi đối với các cơ quan chức năng, trong đó có ngành thuế. Thực tế, cá nhân kinh doanh tận dụng loại hình TMĐT tại Việt Nam hiện nay, chủ yếu sử dụng các nền tảng mạng truyền thông xã hội để quảng cáo, bán hàng hóa và dịch vụ, ít hoạt động thông qua các sàn TMĐT chính thống. Muốn quản lý thuế kinh doanh thông qua mạng truyền thông xã hội, phải có các giải pháp phù hợp, trong đó có việc phải hiển thị được các thông tin (dấu vết số) cần thiết về hàng hóa, dịch vụ, giá cả giao dịch của các chủ thể kinh doanh... Thực tế, tại Việt Nam vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả để kiểm soát và quản lý thuế hữu hiệu đối với các hoạt động kinh doanh thông qua các nền tảng mạng xã hội.

                                                                                                                                                               Theo Báo Công Thương điện tử


Tin khác

3 xu hướng thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021

3 xu hướng thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021 24-02-2021 / * Hoạt động Thương mại

Tình hình đại dịch diễn tiến liên tục đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp và người dùng chuyển đổi sang nền tảng trực tuyến, đây là xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời kỳ bình thường mới. Trước bối cảnh này, Shopee đã đưa ra 3 dự đoán chính cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021 liên quan đến các lĩnh vực thanh toán, cung ứng hậu cần và kỹ thuật số hóa.